Hiện trạng truyện tranh ở Việt Nam ~ Truyện cổ tích Hiện trạng truyện tranh ở Việt Nam

6 thg 1, 2015

Hiện trạng truyện tranh ở Việt Nam

Hiện trạng truyện tranh ở Việt Nam
Bộ sách Doraemon của Nhật Bản ra đời vào năm 1992 là một sự kiện trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Các tiêu đề “ Cơn sốt Đôrêmôn”, “Hiệu ứng Đôrêmôn”, “Đôrêmôn – sự kiện xuất bản lừng danh”, “Đôrêmôn lật ngược thế cờ trong xuất bản”, “Đôrêmôn kích hoạt thị trường sách thiếu nhi”… để chỉ sự kiện này. Thực tế cho thấy, “cơn sốt” này không chỉ có tác động nhất thời mà còn tạo ra một thói quen đọc sách mới với bạn đọc Việt – thói quen đọc truyện tranh. Kéo theo đó là hàng loạt những thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành đối với người làm sách, và những mối quan tâm đặc biệt của công chúng, nhiều khi trái ngược nhau, trong việc nhìn nhận, đánh giá về truyện tranh.

Lịch sử ngành xuất bản Việt Nam không thể không ghi nhận, bộ sách Doraemon nói riêng và một số bộ truyện tranh khác ,thời gian đầu đã có những tác động rất tích cực về mặt xã hội: kích thích trẻ đọc sách; thúc đẩy hoạt động xuất bản… Đương nhiên, thành công của Doraemon cũng khiến cho hàng loạt nhà xuất bản lao vào tìm kiếm, khai thác, xuất bản truyện tranh.

Điều đáng tiếc là, việc khai thác truyện tranh đã diễn ra một cách tràn lan, thiếu chọn lọc, khiến cho trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều bộ truyện tranh kém chất lượng, ít được chú trọng tính văn hóa, giáo dục mà nặng về thương mại. Không ít bộ truyện tranh có nhiều yếu tố tình dục, bạo lực, thực sự không phù hợp với văn hóa Việt. Thêm vào đó là việc dịch thuật, biên tập ở nhiều cuốn rất thiếu chọn lọc, cân nhắc về tính đối tượng (bạn đọc nhỏ tuổi), nên càng gây phản cảm.

Chính vì thế truyện tranh đã gây không ít ý kiến trái chiều: Nhiều người, trong đó có các bậc phụ huynh, thày cô giáo cho truyện tranh chỉ để giải trí, thiếu nghiêm túc; hình ảnh và lời văn không phù hợp, làm hỏng tư duy, đặc biệt tư duy ngôn ngữ của trẻ… Nghiêm trọng hơn, có người cho truyện tranh đồng nghĩa với nguy cơ tiêm nhiễm, kích động những yếu tố gây hại cho trẻ.

Nạn in lậu càng tác động tiêu cực đến thị trường truyện tranh. Sách bị in lậu, nhà xuất bản không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, do đa phần các sách in lậu rất kém chất lượng. Dẫn đến hình ảnh về xuất bản Việt Nam bị định kiến trong mắt đối tác nước ngoài…

Bất chấp mọi khó khăn, một số nhà xuất bản vẫn kiên trì xuất bản truyện tranh một cách nghiêm túc, bài bản, cho ra được những bộ truyện tranh miêu tả từ những truyện cổ tích của Việt Nam hay một số truyện cổ tích nước ngoài đặc sắc như: truyện cổ Grim, truyện ngụ ngôn Ê Dốp,… có chất lượng, được trẻ yêu thích, phụ huynh tán thưởng, góp phần làm thay đổi dần dần nhận thức của công chúng về truyện tranh.

Tuy nhiên, còn đáng lưu tâm hơn là khuynh hướng, hay nhu cầu đọc của các em. Ngày nay, nếu quý vị vào một cửa hàng sách bất kì ở Việt Nam, dù là thành phố lớn hay phố huyện, cửa hàng sách tổng hợp hay dành riêng cho thiếu nhi, quý vị dễ dàng thấy cảnh tượng này: phần lớn các khách hàng nhỏ tuổi đều xúm quanh các giá bày truyện tranh, trong khi có rất ít em tìm xem các sách khác. Mua được thì thật là hớn hở mà nếu chẳng may hết sách, trông các em tiu nghỉu thật đáng thương.
Những hình ảnh cho thấy trẻ em Việt Nam rất yêu thích truyện tranh, say mê truyện tranh ở nhiều em, có thể nói, vượt ra ngoài thao tác đọc thông thường. Có em sưu tầm các ấn phẩm trên mạng internet, tìm đọc các phiên bản khác nhau để so sánh, đối chiếu. Có em còn tìm đọc truyện tranh bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh và chất vấn nhà xuất bản về những chỗ dịch không đúng hay những chỗ bị chỉnh sửa “quá đáng” so với nguyên tác.

Một mặt, rõ ràng truyện tranh có tác động tích cực là kéo các em đến với sách, kích thích tưởng tượng, sáng tạo, tạo thêm “sân chơi” cho các em. Nhưng mặc khác, niềm đam mê truyện tranh nếu không được tiết chế với các hoạt động khác, chắc chắn sẽ khiến các em bị lệch lạc không chỉ trong việc đọc sách, mà cả trong học tập, lao động cũng như các hoạt động khác mà lứa tuổi các em cần phải được phát triển toàn diện. Vì vậy, bản thân truyện tranh mới chỉ là một phần câu chuyện; việc đưa truyện tranh đến với các em như thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu của các em, vừa đảm bảo rằng những cuốn sách đó thực sự là món ăn tinh thần bổ ích cho các em, mới là điều cốt yếu cần được đặt ra và giải quyết.

Những bài học dạy con từ truyện cổ tích Bạch tuyết và bảy chú lun


0 nhận xét:

Đăng nhận xét