[Tản mạn] Nhớ nhà ~ Truyện cổ tích [Tản mạn] Nhớ nhà

21 thg 1, 2015

[Tản mạn] Nhớ nhà

[Tản mạn] Nhớ nhà


-Tự dưng nhớ nhà quá
- Nhớ thì về đi. Ngồi đấy mà kêu với tao ah
Mắng thằng nhợn ấy thì mắng thế thôi chứ mình cũng đang nhớ nhà chết đi được.
Bố mẹ ốm yếu, ruộng của nhà để hết cho người ta cấy nên cũng chẳng biết đã đến mùa gặt hay chưa, chỉ nhớ mỗi là mùa lúa chiêm mình hay lên nhà ông hàng xóm mua mía. Ôi giời, nhiều lúc thấy mình vô tâm đến tệ bạc haiz.


Bây giờ thèm được hít hít, ngửi ngửi cái mùi rơm mới. Khi vừa mới gặt đem về thì xanh ngắt, xanh ngơ đến khi được phơi phóng khô cong, nằm gọn ghẽ thành từng đống lớn thì vàng ươm như màu chuối ngự quê mình vậy. Nhưng mà cứ nghĩ đến cái lúc mùa vụ, giữa trưa giời nắng chang chang, 1 mình, 1 gậy, 1 đường rơm dài tít tắp (còn được mẹ trang bị thêm cho cái nón nữa) rồi hì hục gảy gảy, tung tung, bới bới thì chỉ muốn căm thù cái mùi thơm thơm, ngai ngái ấy. Ngày đó ghét thì ghét thế vậy mà khi xa quê thì nó trở thành kí ức khó phai, nếu mà có vô tình ngửi thấy thì như có cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng vậy.
Nhà mình ngay cạnh cánh đồng, sáng dậy mà đứng từ bậc hiên nhà nhìn ra cánh đồng lúc trước mặt rồi tham lam hít 1 hơi dài cho căng tràn lồng ngực cái tinh khôi, trong trẻo của “vị đồng quê” thì tinh thần sảng khoái biết bao nhiêu. Nhưng rủi thay mà vào sau vụ gặt, lúc người ta đang đua nhau ra đồng đốt rạ kẻo thủy nông thả nước vào đồng thì chỉ muốn giấu mặt vào trong chăn kẻo khói. Mùi khói khen khét, ngạt ngạt vậy mà cũng làm mình phải nhớ nhiều lắm.


Nhớ hồi học năm nhất, năm hai, cứ mỗi lần về nhà là lại chết cười với thằng em trai. Hai đứa đều lớn rồi nên không đánh nhau, cãi nhau chí chóe như cái hồi còn tẻ con chạy long nhong nữa. Bây giờ chuyển sang cái chế độ đấu đá một cách nhẹ nhàng và tình cảm hơn hé hé.
Bữa cơm thứ nhất sau khi mình về quê: Chị để đấy em rửa bát cho
Bữa thứ 2: Hai đứa nhìn nhau 1 chặp rồi nó bê mâm bát ra rửa
Bữa thứ 3: Chị đi rửa đi
Vừa tức vừa buồn cười. Thế cơ mà những việc nặng trong nhà bây giờ mình nó làm, chả đến lượt mình động tay. Chả bù cho ngày xưa hì.
Mình cũng nhớ mỗi lần về quê chỉ nằm ườn ra mà ngủ cho lấy cố, lấy được, quyết tâm nướng cháy cái giường mặc cho bố mẹ kêu gào bắt con gái dậy để …đi chơi. “Có chết con cũng không ló mặt ra khỏi cổng đâu hức hức”. Thế mới có chuyện mình về 3 ngày mà con bạn thân ngay sát nhà còn không biết mình về hé hé. Chả bù cho khi ở trên trường, vi vu, vi vút tít mít với phương châm “Ngồi nhà nhiều làm gì cho nó ngu người ra”. Chả có lẽ khi về với thầy u lại có cái xu hướng muốn ngu ngu 1 tý, giả vờ ngoan ngoan nhiều tý hehe.
Tự nhiên còn thấy thèm cái cảm giác bị mẹ mắng vì tội lười mắc màn trước khi đi ngủ. Mình nhớ cái ngày còn ngây thơ, dễ thương (Tóc Đỏ bảo thế) các anh thi nhau tán tỉnh, hươu vượn, anh trai thằng bạn còn nhắn tin, gọi điện nhắc nhở mắc màn đi ngủ kẻo muỗi nó đốt. Mình còn cắn cả muỗi ấy chứ nói gì sợ muỗi đốt haha. Bặt quạt, trùm chăn kín mít, mùng mền làm chi cho mệt hehe.
Nỗi nhớ nhà trong mình còn là con đường bê tông nhỏ thẳng tắp từ làng xuống đồng. Cuối con đường ấy là nơi hết kiếp người, người ta lại về với lòng đất mẹ. Bao kỷ niệm gắn liền với nó, những tiếng cười đùa, những trò nghịch ngợm, và cả những tâm sự cùng mấy đứa bạn thân vào tối tối mỗi lần về. Từ khi chị mất, chỉ duy nhất có 1 lần mình lang thang trên con đường ấy. Rồi bà mất, mình không còn bước trên con đường ấy như trước kia vẫn từng nữa…
Nhà mình chẳng có cây ăn quả nào trừ mấy khóm chuối và 1 cây roi đã chục năm rồi mà chưa một lần ra quả. Chuối nhà mình có đợt ra buồng 1 loạt, chỗ nào cũng lủng lẳng quả, từ trong vườn ra tới ngoài bờ sông. Nhìn thì thích, mắt tít lại. Rồi thì lần nào đi mẹ cũng ấn ấn dúi dúi cho mấy nải chuối già ngon nhất cho để mang lên trường. Mẹ bảo: mang lên đấy, để cho nó chín rồi mấy đứa mà ăn chứ trên đó đâu có chuối như thế này. Mình bị thích ý, Thái Nguyên lại chả ngập chuối ra ý, cơ mà đắt và ko ngon. Chuối của mẹ, để chín nó cứ vàng như mật, thơm như mít ý, thích thích. Ấy vậy mà lần nào lên cũng để quên 1 chỗ rồi mải tít mít đi chỗ này, chạy chỗ kia, chỉ khi nào về nhà, mở cửa phòng , mùi chuối chín sộc thẳng vào mũi mới nhớ ra. Hí hửng lôi ra, gọi mấy chiến hữu rồi giải quyết sạch sẽ như chùi. Điêu thế thôi, chứ thực ra là vẫn còn nguyên vỏ và cuống, hé hé.
Có nhiều người vẫn không hiểu tại sao mấy u quê mình cứ phải dúm dúm, gói gói cho con vài mớ rau này, rau kia mang cả trăm cây số lên làm gì, có phải là trên này không có rau đâu. Này nhá, rau sạch mẹ trồng, mẹ dậy sớm hái rau cho tươi rồi lấy dây chuối, cọng rơm để buộc cho con gái mẹ mang lên, để chết chìm trong đống rau biết ăn đến khi nào cho hết, để có lần ngồi ăn lại sụt sịt nhớ nhà mặc dù vừa ở nhà lên. Có lần mẹ gửi gạo, gửi cho con gái quả bí ngô to nhất vườn, con gái cười toe, để trong gầm giường…khoe. Ai đi qua cửa mà chẳng nhìn thấy nó, đứa nào cũng dụ dỗ “thịt” quả bí ngô để nấu chè. Cơ mà mình ko chịu, để đấy …cho đỡ nhớ nhà. Vài tháng sau lôi ra thì hỡi ôi, bên trong ruột bị hỏng hết rồi, con gái mẹ ngồi tiếc ngẩn ngơ. Biết thế nghe lời chúng nó có phải được hú hí 1 bữa chè ngô ngon tuyệt thay vì lệ khệ bê ra ao cho cá nó ăn như bây giờ ko hix hix.
Tết vừa rồi về quê, mất nguyên ba ngày để dọn nhà, từ nhà đến buồng, rồi xuống bếp, rồi nền giếng, rồi … nói chung là đủ mọi chỗ. Vừa làm vừa ti toe chê thầy u ở bẩn, chả bù ngày trước ở nhà toàn bị mắng. Xong là gom góp hết những thứ linh tinh vứt đi, đâu những mấy bao ý rồi bị thầy u gắt um lên vì cái tội sắp xếp đồ linh tinh và ”ai cho mày vứt cái đấy đi”. Vẫn nhăn răng ra cười nham nhở được, vênh mỏ lên trêu lại thầy u. Nghĩ lại vẫn thấy buồn cười.
Ah tự nhiên nhớ cả cánh đồng ngâm ải sau vụ chiêm. Lúc ấy trời cũng đã vào cuối thu, người ta sau khi cày xong thì phơi ải rồi phóng nước vào đồng. Đất thịt màu mỡ đùa nắng khô cong, gặp nước vào bất chợt, vỡ vụn, mềm tơi. Nhìn ra ngoài ấy cứ có cảm giác như trước mặt mình là biển vậy. Con bạn mình gọi đó là “hòn đảo nhỏ”. Rồi hoàng hôn dần buông, cái ráng chiều vàng vàng, đo đỏ dần rơi rớt xuống mặt nước vỗ mênh mang, tạo ra những sắc màu loang loáng, đẹp mà dễ buồn lắm.
Kể thì chẳng biết kể thế nào cho hết. Vì những câu chuyện nó cứ vụn vặt, chắp ghép và lan man. Nỗi nhớ nhà trong mình ko phải chỉ có bố mẹ, có em trai với cái nhà, căn bếp hoặc giàn mướp lúc lỉu ngoài nền giếng mà còn là tất cả những thứ thuộc về nơi mà người ta gọi là “quê”.

Xem thêm:

·        truyện cổ tích

·        Truyen co tich

·        Đọc truyện cổ tích

·        Nghe truyện cổ tích

·        Truyện cổ tích Việt Nam 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét