Tết của tuổi thơ
Những ngày Tết của tuổi thơ thường
bắt đầu rất sớm. Quãng mùng năm mùng mười tháng Chạp khi các phiên chợ đã bắt đầu
rậm rịch, các bà hàng xén bày bán những cành hoa giấy xanh đỏ, góc chợ đẹt đùng
tiếng pháo là trong lòng lũ trẻ con chúng tôi đã thấy chộn rộn, náo nức. Một số
đứa lớn khéo tay bắt đầu hì hục làm pháo. Trong xóm, có chú Kiêu là người làm
pháo giỏi. Buổi chiều đi học về, tôi thường tranh thủ tót sang nhà chú xem làm
pháo. Năm 1970, chú đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, mãi mãi
không bao giờ về nữa. Sau này lớn lên, anh Khải- ông anh họ của tôi cũng là người
khéo tay, hay tìm tòi, khám phá. Anh chế thành công pháo thăng thiên-loại pháo
chúng tôi coi là khó nhất. Những quả pháo thăng thiên của anh, đốt bay vút lên
trời rồi lượn là là rơi xuống cái ao trước cửa nhà rất thú vị. Tôi vụng về nên
chỉ giỏi chầu rìa xem anh làm pháo.
Những ngày giáp Tết, làng trên xóm
dưới rộn vang tiếng lợn kêu, tiếng giã giò chả “đốp”, “chát”. Thường thì hai ba
nhà rủ nhau đụng một con lợn. Xóm tôi có truyền thống tương trợ lẫn nhau. Mọi
người hè nhau mổ lợn, ra thịt, lọc thịt để giã giò.
Những thanh niên khỏe mạnh và vài người trung niên chia nhau cứ hai người một cối giò. Giã xong nhà này, lại kéo đến nhà khác. Vui nhất là tụi trẻ con, đứng ngoài chầu hẫu xem người lớn chọc tiết lợn, mổ lợn,… giành lấy chiếc bong bóng lợn, lấy xe điếu thổi hơi vào thành quả bóng, chia phe nhau đá bậm bạch trên sân.
Những thanh niên khỏe mạnh và vài người trung niên chia nhau cứ hai người một cối giò. Giã xong nhà này, lại kéo đến nhà khác. Vui nhất là tụi trẻ con, đứng ngoài chầu hẫu xem người lớn chọc tiết lợn, mổ lợn,… giành lấy chiếc bong bóng lợn, lấy xe điếu thổi hơi vào thành quả bóng, chia phe nhau đá bậm bạch trên sân.
Những ngày giáp Tết còn một cái thú
nữa là xem gói bánh chưng. Nhà tôi bao giờ khi mổ lợn xong, có thịt mỡ mới gói
bánh chưng. Mẹ tôi cho đỗ xanh đã xiết nhỏ và đãi sạch vỏ vào nồi nấu chín. Thịt
mỡ- thái vát quân cờ, rắc hạt tiêu xay
nhỏ để trong bát lớn. Hành củ tươi. Gạo nếp đã ngâm qua đêm đảo đều chút muối.
Lá dong rửa sạch, tước phần sống lá. Lạt mềm chẻ sẵn. Chuẩn bị xong chừng ấy thứ,
bố tôi mới ngồi vào gói bánh. Tôi thường lấy một chiếc ghế nhỏ, ngồi bên cạnh
xem ông gói. Bố tôi rất khéo tay, chẳng cần khuôn gỗ hay khuôn lá dừa, ông vẫn
gói thành những chiếc bánh chưng vuông vắn, đều chằn chặn. Cuối cùng còn một ít
gạo, đậu, thịt, bố tôi gói thêm mấy chiếc bánh con con. Đấy là điều thích thú
nhất của chúng tôi. Đứa nào cũng nhận phần chiếc bánh của mình và hăm hở đem
“chén” ngay sau khi bánh luộc xong. Buổi tối, tôi thường được cử ngồi canh nồi
bánh chưng, khi nào cạn nước lại kêu bố vào châm thêm. Bánh được luộc từ trưa đến
quá nửa đêm mới xong. Có lần tôi buồn ngủ quá, ngủ quên ngay bên cạnh bếp. Giật
mình tỉnh dậy, thấy đang nằm trên giường, nhìn ra giữa nhà thấy bố tôi đang lúi
húi chất bánh lên bàn thờ khói hương nghi ngút.
Buổi sớm mùng một, bà nội đã dặn kỹ
không đứa nào được chạy sang nhà hàng xóm. Tôi hỏi mẹ tại sao vậy, mẹ nói chạy
sang lỡ trong năm nhà người ta gặp chuyện xui xẻo, họ lại trách là do mình xông
nhà. Ngày mùng một cũng không được quét nhà. Nếu nhiều rác quá thì quét tấp vào
một góc nhà để đến mùng hai, mùng ba dọn một thể, làm thế để của cải trong năm
không bị đổ ra ngoài mất. Lịch trình đi chúc tết của tôi suốt thời thơ ấu bao
giờ cũng “ổn định”: bốn giờ sáng theo bà nội vào chùa thắp hương. Bố tôi thường
sửa soạn một cút rượu gạo, một miếng thịt lợn luộc, một đĩa xôi gấc cho vào chiếc
làn nhỏ, khi tôi còn nhỏ thì bà nội xách, tôi chỉ có việc lẽo đẽo chạy theo,
còn khi lớn chút chút rồi thì tôi xách làn cho bà. Bà tôi lấy từ chiếc tay nải
nâu cũ ra một chiếc áo dài the màu nâu sửa soạn mặc vào. Đây là chiếc áo đẹp nhất
của bà và bà chỉ mặc mỗi năm có một lần. Hai bà cháu tôi vào đến chùa thì nhiều
người đã đến trước và đang ngồi nói chuyện với ông Thống coi chùa. Mùi hương trầm
đậm đặc, ánh sáng vàng ấm của những ngọn đèn dầu thắp nơi bàn thờ Phật, tiếng
bước chân đi lại nhẹ nhàng, tiếng xuýt xoa khấn vái... Ngoài trời đang sáng dần,
hai bà cháu tôi về đến nhà thì trời đã sáng hẳn, bếp nhà tôi đang đỏ lửa, bố mẹ
tôi đang bận bịu sắp cỗ cúng. Cỗ cúng sáng mùng một Tết có nhiều món nhưng
không thể thiếu món xôi gấc để cầu mong sang năm có nhiều vận đỏ.
Cúng bái, ăn uống xong là nhà tôi
chia thành hai đoàn đi chúc tết, một đoàn theo bà nội vào nhà ông cậu, một đoàn
theo mẹ đến nhà ông bà ngoại. Tôi được ưu tiên tham gia cả hai đoàn, hết theo
bà vào nhà ông cậu lại chạy theo mẹ xuống nhà ông bà ngoại.
Ngày mùng một bao giờ không khí tết
cũng đậm đặc hơn, dành cho đi chúc Tết ở những nơi ruột thịt thân thiết nhất.
Quá chiều, chúng tôi theo bố mẹ từ quê ngoại trở về. Đi ngược lại phía chúng
tôi là những đoàn người lớn trẻ nhỏ áo quần xúng xính cũng đang đi chúc tết trở
về. Hai bên đường lúa xuân lên xanh mướt. Gió thổi rờn rờn mát rượi. Mẹ tôi thường
thở dài : thế là đã hết tết. Tôi thường cãi mẹ, làm gì đã hết tết, ngày mai còn
sang Đông. Đối với bố mẹ, một cái tết tất bật đã qua đi, còn đối với tụi trẻ
con chúng tôi, tết chỉ thật sự hết khi chồng bánh chưng trên bàn thờ dành ăn mỗi
buổi sáng sau tết đã hoàn toàn sạch bóng.
Xem thêm:
Mùa Xuân Long Phụng Xum Vầy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét